Titanic 3D - Hoài niệm bi tráng

Thông tin Titanic được làm lại thành phiên bản 3D được nhà sản xuất tiết lộ từ đầu năm 2011. Tuy nhiên, ở thời điểm bấy giờ, nhiều người tỏ ra nghi ngại việc chuyển thể từ bản 2D sang 3D sẽ không được như mong đợi và làm giảm đi chất lượng của bộ phim gốc..

Đã có khá nhiều bộ phim Hollywood đi theo hướng đó và gây sự thất vọng không nhỏ đối với khán giả. Trong số đó phải kể đến phim Clash of the Titans (Cuộc chiến của những người khổng lồ), Stars war: the phantom menance (Chiến tranh giữa các vì sao: Hiểm họa bóng ma), hay Gulliver’s travel (Gulliver du ký)... Một số nhà phê bình nhận định các bộ phim trên chỉ được “gắn mác 3D cho oai” còn chỉ đáng được xếp loại 2,5D. Lý do là vì hiệu ứng 3D trong phim khá hạn chế. Chỉ những cảnh quay hành động, chủ yếu là cao trào của bộ phim thì các nhà sản xuất mới áp dụng hiệu ứng tạo chiều sâu và độ sắc nét ở đó. Nhưng trên thực tế của khán giả cho rằng ngay cả những chỉnh sửa ấy cũng khá hời hợt và chưa chân thực.

Hình ảnh này một lần nữa được tái ngộ sống động khán giả sau 15 năm


60 tuần: Titanic từ 2D trở thành 3D

Phản bác lại những nghi ngại trên, đạo diễn Cameron đã lên tiếng khẳng định rằng ông sẽ đưa khán giả lạc vào thế giới của Titanic 3D một cách chân thật nhất mà vẫn giữ vẹn nguyên cảm xúc. Trong làng điện ảnh, ai cũng biết chính James Cameron là người mở màn cho phim công nghệ 3D với phát đại bác Avtar rền vang hiện đứng đầu tốp phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Và lần này, thầy phủ thủy tiếp tục chuyển thể bộ phim Titanic - bom tấn đầu tiên của mình sang định dạng mới.

Trong cuộc phỏng vấn với trang movieweb.com, James đã tiết lộ một số chi tiết của quá trình làm Titanic 3D. Theo ông, nếu đã bắt tay vào việc chuyển thể phim từ định dạng cũ sang mới thì phải làm thật cẩn trọng và đúng đắn để đạt được hiệu quả tốt nhất có thể, chứ không nên chỉ bỏ ra vài tuần làm việc và cho ra một sản phẩm tồi tệ. Để bom tấn Titanic 3D có thể trình làng, ê-kíp của ông gồm 300 kĩ sư được tuyển chọn trong 2 hãng sản xuất lớn là Paramount và 20th Century Fox đã làm việc miệt mài trong vòng 60 tuần với kinh phí khổng lồ 18 triệu đô la. Chính James Cameron đã đứng ra giám sát khi chuyển đổi từng cảnh quay, từng khung hình, cẩn trọng như việc tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Thêm vào đó, sau khi các kĩ sư hoàn thành nhiệm vụ, bộ phim được kiểm tra lại dưới con mắt tinh tế của những bậc thầy về 3D, gồm 3 chuyên viên kĩ thuật trong nhóm làm việc riêng của Cameron. Những người này có nhiệm vụ xem thật kĩ từng khuôn hình, thậm chí xem lại đi xem lại nhiều lần một cảnh phim, sau đó báo cáo lại cho đạo diễn. James Cameron chính là khâu kiểm duyệt cuối cùng. Ông sẽ làm việc với các kĩ sư để sửa những chỗ chưa tốt cho tới khi đạt được chiều sâu và độ sắc nét như ý.

Ê-kíp làm việc của James đã cùng ông chọn lọc ra 8 cảnh quay để tạo nên một đoạn phim giới thiệu 18 phút như phần khởi động cho ngày công chiếu sắp tới. Và không phụ công sức đã bỏ ra, đoạn phim giới thiệu đã nhận được khá nhiều lời khen tích cực từ phía khán giả cũng như những nhà phê bình chuyên môn. Theo “thầy phù thủy” Hollywood, những cảnh quay trong đoạn phim đó được ông chọn với mục đích khơi gợi lại trí nhớ của người xem về bộ phim năm 1997 và cho người xem thấy được một vài hiệu ứng 3D của phim mới.

Poster Titanic phiên bản 3D


Tuy rất tâm đắc với những gì đã làm và rất tự tin trong lễ ra mắt Titanic 3D tại London ngày 28/03 (giờ Việt Nam), đạo diễn Cameron vẫn hết sức khiêm tốn khi nói về sự đổi mới của bom tấn Titanic: “Dù thế nào đi nữa thì bộ phim này vẫn chưa hoàn hảo. Nó chỉ đạt mức 2,9D chứ không phải 3D thực sự”. Nhà sản xuất Jon Landau cũng cho biết thêm rằng một bộ phim nâng cấp định dạng như thế sẽ không thể nào đạt được 100% tiêu chuẩn về độ nét, chiều sâu, ánh sáng và các yếu tố khác như bộ phim được quay từ đầu tới cuối bằng máy quay 3D hiện đại. Tuy nhiên, chính ông này cũng khẳng định rằng, dù có được làm mới đến đâu đi nữa thì Titanic vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị và cảm xúc như lúc ban đầu bom tấn này ra mắt ngày 19/12/1997.

Titanic 3D – hoài niệm bi tráng

Với sự hỗ trợ của kĩ thuật 3D tiên tiến, cùng tinh thần làm việc không biết mệt mỏi và một khoản đầu tư tương đối lớn 18 triệu đô, thảm họa chìm tàu Titanic cùng câu chuyện tình cảm động giữa 2 hành khách trên tàu đã tái xuất trên màn ảnh rộng với những hình ảnh chân thực nhất có thể. Đạo diễn James Cameron đã đợi đến tháng 4 năm nay để cho ra mắt phiên bản này, góp phần vào lễ tưởng niệm 100 năm ngày con tàu Titanic bắt đầu hải trình đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình (ngày 10/04/1912).

Theo James Cameron, phim Titanic đã tái hiện lại một xã hội thu nhỏ trên boong tàu với những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở khoang hạng nhất và những người thuộc tầng lớp trung lưu cùng thủy thủ đoàn. Tất cả bọn họ, từ khi bước chân lên tàu, đã tình nguyện trao số phận của mình vào tay những người đã dại dột khăng khăng lái con tàu vượt qua đêm tối. Nhưng trên hết, là bài học về chữ “ngờ” của cuộc sống và về tình yêu – điều có thể giúp người ta vượt qua rào cản đẳng cấp xã hội, đồng thời hy sinh cho nhau mọi thứ, ngay cả chính sự sống của mình trong lúc khó khăn.



Một lần nữa, tất cả những gì mà “thầy phủ thủy” của Hollywood muốn gửi gắm qua siêu phẩm 15 năm trước lại tái ngộ với khán giả màn ảnh rộng bằng công nghệ làm phim tiên tiến nhất hiện nay. Ông Cameron chia sẻ: “Nếu như năm 97, tôi có máy quay 3D trong tay và các rạp chiếu phim đều đạt chuẩn 3D thì chắc chắn tôi sẽ làm Titanic 3D ngay tại thời điểm đó”. Những người yêu thích điện ảnh chưa được thưởng thức bộ phim sẽ có dịp mãn nhãn với những hình ảnh bi tráng của con tàu Titanic sang trọng, đồng thời cảm nhận sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhân vật qua những khoảnh khắc thân mật trong phim. Chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm tinh tế, và với những người đã từng xem Titanic 2D thì lần này, những cảm xúc do bộ phim mang lại sẽ chân thật hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, trên đời này không có gì là hoàn hảo cả. Titanic 3D cũng không phải ngoại lệ. Đạo diễn James Cameron đã phải cho quay lại cảnh nhân vật Rose nằm trôi nổi trên một tấm gỗ giữa Đại Tây Dương vì sai vị trí của những ngôi sao trên bầu trời vào thời điểm con tàu bị chìm. Nhà thiên văn học người Mỹ Neil deGrasse Tyson đã tìm ra lỗi này. Đồng thời trang moviemistake.com cũng cho đăng tải một số lỗi trong phim Titanic bản gốc mà bản 3D chưa sửa như vị trí nốt ruồi của Rose, hay bóng của người quay phim in trên cửa kính... Tuy nhiên, lỗi về bầu trời sao là lỗi duy nhất được sửa, một phần vì nhà sản xuất muốn tôn trọng phiên bản gốc của bộ phim và như đã nói ở trên, không có gì là hoàn hảo cả.

Tai nạn chìm tàu thảm khốc đã xảy ra cách đây tròn 100 năm, bộ phim bom tấn về con tàu xấu số ấy cũng đã thôi làm mưa làm gió trên thị trường phim thế giới được 15 năm. Thời gian trôi nhanh nhưng ký ức về một trong những thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử hàng hải, cũng như siêu phẩm làm xúc động bao thế hệ khán giả vẫn luôn in sâu trong trí nhớ của những người yêu điện ảnh. Bên cạnh những hoạt động tưởng niệm ý nghĩa như tái hiện lại hành trình dang dở của tàu Titanic, bán đấu giá hiện vật, hay công bố những hình ảnh mới nhất về xác tàu... thì bộ phim Titanic 3D xứng đáng là một hoài niệm bi tráng về quá khứ và đồng thời là tác phẩm nghệ thuật đương đại.


Titanic – con số và sự kiện

11 giờ 40 phút đêm ngày 14/04/1912: là thời khắc chính xác xảy ra vụ va chạm giữa tàu RSM Titanic với núi băng trôi trên biển Đại Tây Dương

1517 : là con số những người tử nạn trong thảm họa năm đó

706: là số người còn sống sót, bao gồm hành khách và thủy thủ đoàn

19/12/1997: ngày công chiếu bom tấn Titanic 2D

200 triệu đô la: là kinh phí sản xuất khổng lồ thời bấy giờ của phiên bản gốc phim Titanic

1,8 tỷ đô: là doanh thu mà siêu phẩm Titanic đạt được sau khi công chiếu trên toàn thế giới, đồng thời dẫn đầu danh sách phim ăn khách nhất mọi thời đại trong suốt 12 năm cho đến khi Avatar trình làng năm 2009

Khoảng 6 triệu đô la: đây là doanh thu trong ngày đầu công chiếu của phiên bản Titanic 3D.

Related product you might see:

Share this product :

Post a Comment